mon an truyen thong tet trung thu dai loan

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong phong tục của người Đài Loan. Trong dịp này, mọi người thường quây quần bên gia đình, cùng trò chuyện, ngắm trăng và thưởng thức những món ăn truyền thống. Hãy cùng Taiwan Diary khám phá xem đó là những món ăn nào và câu chuyện thú vị ẩn đằng sau đó nhé!

Trung thu – ngày lễ quan trọng trong văn hóa Đài Loan

Món ăn truyền thống của Đài Loan trong dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Đài Loan. Ngày 15 tháng 8 âm lịch – thời điểm mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm chính là ngày mà người người nhà nhà quây quần, tề tựu bên nhau đón mừng ngày tết Trung thu, tận hưởng bầu không khí náo nhiệt, vui vầy. Ở Đài Loan, Trung thu được coi là quốc lễ nên người dân được nghỉ một ngày để trở về bên gia đình hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. 

Tết Trung thu ở Đài Loan gắn với câu chuyện  của Hậu Nghệ và Hằng Nga. Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc 10 mặt trời, khiến cây cối khô hạn, cuộc sống con người khó khăn. Một chàng cung thủ tài ba tên Hậu Nghệ đã bắn rơi 9 mặt trời, cứu nhân gian khỏi nạn hạn hán. Trong một lần gặp Tây Vương Mẫu, ông được ban cho thuốc trường sinh, có thể đưa con người bay lên tiên giới. Vì không muốn rời xa vợ mình là Hằng Nga nên ông đã giao thuốc cho nàng giữ. 

Tuy nhiên, một kẻ độc ác tên Bàng Mông đã phát hiện ra điều này và bắt ép Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Không muốn bình thuốc rơi vào tay kẻ xấu, Hằng Nga đã tự mình uống nó và bay lên trời. Nàng đã đáp xuống cung trăng để có thể ở gần chồng nhất. Để tưởng nhớ Hằng Nga, Hậu Nghệ đã bày trái cây, thắp hương. Từ đó, mọi người cũng học theo tập tục này để cầu nguyện sự bình an và may mắn.

Bánh trung thu – món ăn truyền thống đầy hấp dẫn

Món ăn truyền thống của Đài Loan trong dịp Tết Trung thu

Chiếc bánh Trung thu ngày nay đã có rất nhiều thay đổi so với những ngày đầu xuất hiện. Phiên bản đầu tiên của bánh Trung thu chỉ làm từ bột mì đơn giản, rồi qua bàn tay của nhà ngoại giao Trương Khiên, hai nguyên liệu là hạt vừng và hồ đào được thêm vào, tạo nên hương vị đậm đà, ngọt bùi cho chiếc bánh.

Về sau, bánh dần phổ biến mỗi dịp trăng rằm. Trong một lần Dương quý phi thưởng thức đã đề nghị đổi tên thành Nguyệt bánh (bánh mặt trăng) do hình dạng đầy đặn, tròn trịa của nó. Dưới triều đại nhà Thanh giàu có và phát triển, tết Trung thu trở thành ngày lễ gia đình, khi các thành viên cùng nhau tự tay nướng bánh. Dưới sự biến tấu của từng gia đình, từng địa phương, nguyên liệu dần trở nên phong phú, chiếc bánh xuất hiện nhiều loại nhân khác nhau, mặn ngọt đủ đầy. Và nó cũng chính thức trở thành một biểu tượng cho sự đoàn viên, ấm cúng.

Tại Đài Loan hiện nay, ba trong số những hương vị phổ biến nhất của bánh trung thu là bánh nhân đậu xanh (綠豆椪 lǜdòu pèng), bánh ngọt mặn với nhân đậu đỏ và lòng đỏ trứng (蛋黃酥 dànhuáng sū) và bánh khoai môn (芋頭酥 yùtou sū).

Bưởi – biểu tượng của phước lành

Món ăn truyền thống của Đài Loan trong dịp Tết Trung thu

Theo truyền thuyết, bưởi chính là món ăn yêu thích của Hằng Nga. Vì vậy, vào ngày rằm tháng 8, các gia đình ở Đài Loan thường đặt bánh trung thu, đậu phộng và bưởi lên bàn thờ để dâng lên Nữ thần Mặt trăng.

Trong tiếng Trung, bưởi được phát âm là 柚子 yòuzi, đồng âm với rất nhiều từ mang ý nghĩa tốt đẹp. 柚子 yòuzi đọc gần giống với 游子 yóuzǐ , nghĩa là mong đợi những người con đi xa nhà có thể trở về đoàn viên. Yòu trong quả bưởi đọc giống như 友 yòu trong từ “phù hộ”. Và cuối cùng là có phát âm gần tương đồng với 有子 yǒuzi, mang nghĩa là “có con cái”. Với ý nghĩa đặc biệt này, nhiều người tin rằng việc ăn bưởi và đội vỏ bưởi trên đầu sẽ đem lại sự bình an và may mắn. Vì vậy, những chiếc mũ bưởi đã trở thành một phần quan trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ người Đài.

Giống như ở Đài Loan, trên mâm ngũ quả của người Việt Nam vào dịp tết Trung thu cũng có bưởi. Dưới bàn tay khéo léo của người tạo hình, những múi bưởi thường được xếp thành hình chó bưởi rất dễ thương, xinh xắn.

Thịt nướng – bữa tiệc của sự đoàn viên

Món ăn truyền thống của Đài Loan trong dịp Tết Trung thu

Những bữa tiệc thịt nướng là phong tục rất đặc biệt của người Đài Loan trong dịp tết Trung thu. Có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của truyền thống này, nhưng lý do được phổ biến rộng rãi nhất xuất phát từ… quảng cáo của một loại nước sốt thịt nướng vào những năm 1980. Nhà máy nước tương Vạn Gia Hương đã phát sóng quảng cáo này trên sóng truyền hình Đài Loan vào dịp Trung thu với câu nói nổi tiếng “一家烤肉萬家香 – Một nhà nướng, vạn nhà thơm”.

Một ý kiến khác cho rằng vào mùa thu, thời tiết trở nên mát mẻ hơn, rất phù hợp cho các gia đình đi cắm trại và tham gia những bữa tiệc BBQ. Nên phong tục này đơn giản chỉ là sự kết hợp của các hoạt động cắm trại, ngắm trăng và nướng thịt.

Một “phiên bản” đáng tin cậy hơn cho rằng xu hướng nướng thịt vào dịp rằm tháng Tám xuất phát từ Hsinchu – nơi chế tạo vỉ nướng nổi tiếng. Trong những năm 1980, hiệu suất xuất khẩu trở nên kém hơn nên các nhà máy bắt đầu quảng bá sản phẩm của họ trong nước. Người dân Đài Loan vốn đã có truyền thống tụ tập ngoài sân hay trước cửa nhà để vừa ngắm trăng, vừa chuyện trò, tâm sự với nhau. Để không khí thêm phần náo nhiệt, mọi người đã nảy ra ý tưởng nướng thịt.

Dù có nguồn gốc như thế nào thì cũng không thể phủ nhận rằng, các bữa tiệc thịt nướng đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày lễ Trung thu truyền thống của người Đài Loan. 

Kết

Tết Trung thu không chỉ là dịp cả gia đình quây quần, đoàn viên bên nhau mà còn là một ngày lễ lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của người Đài Loan. Hy vọng qua bài viết vừa rồi, bạn đã hiểu thêm về một khía cạnh thú vị về ẩm thực trong dịp lễ Trung thu xứ Đài.

Xem thêm:

Nếu quan tâm các khóa học tiếng Trung tại Taiwan Diary, bạn xem: TẠI ĐÂY!

Xem ngay Chi phí dịch vụ hồ sơ du học Đài Loan giá cực tốt tại Taiwan Diary:

Bảng giá hồ sơ du học Đài Loan

Tham gia nhóm Luyện thi TOCFL – Học Tiếng Trung Phồn Thể để xem nhiều bài viết chia sẻ kiến thức tiếng Trung và thông tin du học Đài Loan nha !

Taiwan Diary: