Giấy tờ cần chuẩn bị sau khi đến Đài Loan du học

Sau khi ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ rồi, tin là bạn đã nạp đủ năng lượng. Quay lại với những bước đầu tiên trên hành trình du học Đài Loan, Taiwan Diary thân gửi đến bạn phần tiếp theo trong danh sách những việc cần làm sau khi hạ cánh đến Đài Loan: PHẦN 2: PHẦN GIẤY TỜ và vô vàn tip hữu ích bạn cần chú ý khi đăng ký.

Để sinh sống, học tập tại Đài Loan, du học sinh cần chuẩn bị một số thủ tục, giấy tờ cần thiết mà thoạt nghe các bạn có thể cảm thấy vô cùng xa lạ. Nhưng đừng lo, vì chúng tớ ở đây và sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.

*Lưu ý: Bài viết này tổng hợp thông tin cho các bạn du học sinh đến Đài Loan để du học chính quy hoặc du học ngôn ngữ. Các hệ khác có thể có thêm một số yêu cầu khác nữa. Nếu bạn đang đọc bài viết này và theo hệ nhập cảnh/ du học khác thì hãy chuyển sang trang của Bộ Nội vụ – Sở Nhập cảnh Đài Loan hoặc Sở Phát triển Nhân lực để biết thêm thông tin phù hợp với bạn.

1. ARC – Alien Resident Certificate – Thẻ cư trú

ARC là một tấm thẻ cư trú, nhằm xác nhận thân phận của người nước ngoài sinh sống lâu năm tại Đài Loan. Trên thẻ sẽ có màu/ghi chú khác nhau dành cho các nhóm khác nhau: Du học sinh chính quy, Du học sinh ngôn ngữ, Người lao động, Cô dâu Việt,… 

Thẻ này cũng có chức năng tương tự như giấy CMND của mình. Trên giấy có số ID của riêng bạn và thông tin cá nhân của bạn. Trong vòng 15 ngày sau khi hạ cánh đến Đài Loan, bạn bắt buộc phải đi đăng ký thẻ ARC. Qua 15 ngày mà bạn chưa đi báo danh đăng ký thì có thể phải đối mặt với mức phạt từ 2,000-10,000 Đài tệ.

Thủ tục làm thẻ cư trú ở Đài Loan
Thủ tục làm thẻ cư trú ở Đài Loan

Những gì bạn cần chuẩn bị (chung)

  • Đơn đăng ký
  • Ảnh thẻ
  • Thẻ sinh viên hoặc giấy nhập học. (*Các kỳ sau đi gia hạn thì cần giấy chứng nhận đang học tại trường. Để xin giấy này, vui lòng liên hệ với văn phòng quản lý sinh viên)
  • Passport
  • Giấy xác nhận sống ở ký túc xá. Xin giấy này ở phòng quản lý ký túc xá. 
  • Nếu bạn sống ở ngoài thì chuẩn bị hợp đồng thuê nhà. Nếu bạn chưa có hợp đồng, hãy báo ngay với chủ nhà nhé.
  • Phí: 1000 Đài tệ cho 1 năm, 2000 Đài tệ cho 2 năm và 3000 Đài tệ cho 3 năm.

Nơi làm

Văn phòng quản lý Nhập cảnh ở địa phương bạn. Danh sách và địa chỉ bạn có thể tham khảo ở đây.

Thời gian

Thời gian có thẻ kể từ ngày nộp đơn đăng ký là 10 ngày. Sau khi hoàn tất thủ tục, họ sẽ gửi giấy hẹn lấy thẻ cho bạn. Trong thời gian đó, bạn nên mang theo giấy hẹn này khi ra ngoài phòng khi có cần giấy xác nhận thân phận.

Đối với sinh viên hệ ngôn ngữ

Sau khi du học ngôn ngữ ở Đài Loan được 4 tháng, bạn cần xin đổi sang Visa Resident trước rồi mới xin được thẻ cư trú. Thủ tục cụ thể để đổi Visa, Taiwan Diary sẽ hướng dẫn bạn trong bài đăng kế tiếp nhé.

*Lưu ý

  • Một số trường học sẽ giúp bạn làm thẻ ARC lần đầu tiên, hãy chú ý thông tin này vào ngày đăng ký nhập học nhé.
  • Nhân viên tại văn phòng này có thể sử dụng tiếng Anh. Nếu bạn không biết tiếng Trung mà muốn biết thêm bất cứ thông tin gì, cứ mạnh dạn hỏi họ nhé.
  • Bí quyết để không đợi lâu và thủ tục nhanh hơn đó là đến vào giờ trưa. Vì văn phòng không nghỉ trưa, họ sẽ luân phiên làm; ngoài ra, không nhiều người để ý đến việc văn phòng làm việc suốt cả ngày. Nên bạn có thể ghé vào lúc này để ít tốn thời gian hơn nhé.
  • Các trường hợp thay đổi thông tin (chỗ ở, ngành học), bạn phải đi đến để thay đổi phần thông tin đó trên thẻ. Nếu không, bạn có khả năng sẽ bị phạt từ 2,000-10,000 Đài tệ đó nhé.

Cách khác

Ngoài cách trên, từ năm 2018, bạn có thể thực hiện việc đăng ký thẻ cư trú hoặc gia hạn thẻ cư trú online. Quy trình làm việc khi nộp online sẽ rút ngắn xuống còn 5 ngày. 

Sau khi điền đơn đăng ký, hãy in ra ký và scan lại cùng các loại giấy tờ khác rồi upload trực tiếp lên link đăng ký là được bạn nhé. Chú ý chất lượng ảnh scan tốt để tránh phải gặp vấn đề khi xét duyệt nhé.

*Lưu ý

  • Quy trình làm việc online còn mới nên thỉnh thoảng, việc xét duyệt giấy tờ sẽ gặp vấn đề. Nếu bạn không may thuộc rơi vào tình huống tương tự, hãy bình tĩnh liên hệ với Sở Nhập cư bằng số Hotline +886 (02)2796-7162.
  • Nếu bạn chưa có tài khoản thì chọn Create an Account điền thông tin cá nhân, check mã xác nhận tại email rồi điền tiếp các bước theo hướng dẫn.

2.Work Permit – Giấy phép lao động/ Thẻ đi làm

Loại giấy thứ 2 quan trọng không kém chính là Giấy phép lao động. Du học hệ chính quy cho phép bạn mỗi tuần có 20 giờ được đi làm thêm. Bất kể công việc bạn tìm được là ở trong hay ngoài trường, bạn đều bắt buộc phải có thẻ đi làm hoặc giấy phép làm việc. Nếu bị phát hiện đi làm có lương cho bất kỳ chủ quản/ công ty nào trong trường hợp bạn chưa đăng ký thẻ làm việc hoặc thẻ hết hạn mà chưa đổi mới, bạn sẽ bị phạt từ 30,000-150,000 Đài tệ và có thể phải đối mặt với hình phạt nặng hơn như tước quyền làm việc, trục xuất về nước. Cả người đi làm tức là bạn, và người thuê lao động tức là chủ của bạn cũng sẽ đều bị phạt rất nặng. Đài Loan là một quốc gia tuân thủ pháp luật rất chặt chẽ. Cho nên, việc đăng ký giấy phép lao động là vô cùng cần thiết.

Thủ tục làm thẻ đi làm ở Đài Loan
Thủ tục làm thẻ đi làm ở Đài Loan

Vậy để đăng ký thẻ đi làm, cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

  • Đơn xin giấy phép đi làm (a) có xác nhận của khoa, chủ nhiệm và nhà trường.
  • Thẻ sinh viên (b) có dấu mộc xác nhận của trường.
  • Hộ chiếu và thẻ cư trú (c).
  • Hóa đơn nộp lệ phí (d).

*Lưu ý

  • (a) Liên hệ văn phòng quản lý sinh viên quốc tế ở trường bạn để xin đơn này.
  • File scan (b) và (c), chú ý chất lượng ảnh.
  • (d) Lệ phí là 100 đồng Đài tệ, bạn đến bưu điện để chuyển số tiền này vào tài khoản 19058848, tên người nhận là 勞動部勞動力發展署聘僱許可收費專戶. Nếu bạn không viết được tiếng Trung, có thể liên hệ với văn phòng quản lý sinh viên quốc tế xin trước tờ phiếu chuyển tiền có thông tin chuyển khoản và mang trực tiếp đến quầy thu tiền để nộp. Sau đó, scan tờ biên lai đóng tiền.
  • Nếu bạn đi thực tập hoặc tham gia dự án, hãy đính kèm tài liệu của vị trí, dự án.

Nộp ở đâu?

Sau khi hoàn tất (a), bạn mang đơn đến nộp tại văn phòng quản lý sinh viên quốc tế của trường. Không như thẻ cư trú, hiện nay hồ sơ xin giấy phép lao động của bạn cần nộp lên cả hệ thống online.

Thời gian

Kể từ ngày nộp đơn đến lúc có thẻ dao động từ 5-30 ngày tùy vào tình hình Bộ Lao động kiểm tra hồ sơ của bạn. 

Ai không được tham gia giấy phép đi làm?

  • Sinh viên được Học bổng Chính phủ.
  • Sinh viên hệ ngôn ngữ đến Đài không quá 6 tháng. Kể từ tháng thứ 6 trở đi, bạn có thể nộp hồ sơ xin giấy phép đi làm.

Trong thời gian đợi có thẻ ARC/ thẻ đi làm, có được đi làm không?

Câu trả lời là KHÔNG. Thậm chí, kể cả khi bạn muốn xin việc làm, cũng không thể xin được việc. Bởi vì người thuê bạn sẽ yêu cầu bạn gửi thẻ cư trú ARC và thẻ đi làm Work Permit khi đến xin việc làm. Kể từ sau cuối năm 2019, Chính phủ Đài Loan thực hiện tổng rà soát toàn Đài Loan, thi hành pháp luật đối với người lao động không có thẻ, thẻ lao động hết hạn, quá hạn visa, chủ thuê lao động hiện nay không chấp nhận thuê người không đủ giấy tờ.

*Lưu ý

  • Giấy phép này áp dụng cho sinh viên du học Đài Loan dưới danh nghĩa Sinh viên Quốc tế.
  • Có trường hợp sinh viên học bổng Chính phủ xin được giấy phép để đi làm thêm. Tùy vào thành tích học tập của bạn, khoa và trường có quyền quyết định có ký tên chấp thuận cho bạn đi làm hay không. Nếu họ từ chối, đừng cố đi làm chui vì hình phạt cho tội này là rất nặng.  Hãy lưu ý điều này!
  • Giấy phép lao động sẽ gửi về văn phòng quản lý sinh viên quốc tế tại trường bạn.
  • Bất luận bạn nộp hồ sơ từ lúc nào, hạn của thẻ đi làm chỉ có 2 loại: 
    • Loại 1: Xin vào học kỳ mùa xuân (từ tháng 02 – tháng 06 hằng năm), hết hạn vào ngày 30 tháng 09 năm đó.
    • Loại 2: Xin vào học kỳ mùa thu (từ tháng 09 năm này – tháng 01 năm kế tiếp), hết hạn vào ngày 31 tháng 03 năm kế tiếp đó.
  • Trong 2 kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, sinh viên quốc tế được phép đi làm không giới hạn thời gian. 
  • Cuối cùng, hãy đăng ký thẻ đi làm ngay sau khi bạn nhận được thẻ ARC.

3.Thẻ ngân hàng

Ngoài ra, để thuận tiện thanh toán các giao dịch và nhận lương, học bổng, thẻ ngân hàng cũng rất cần thiết. 

Tip làm thẻ ngân hàng ở Đài Loan
Tip làm thẻ ngân hàng ở Đài Loan

Bạn chỉ cần mang theo:

  • Thẻ cư trú ARC/ Số ID
  • Passport

Đến bất kỳ ngân hàng nào là đã có thể làm ngay 1 chiếc thẻ ngân hàng. Thông thường, bạn sẽ mất 2-3 tiếng để làm được thẻ. Và bạn sẽ được nhận thẻ ngay luôn sau khi hoàn tất đăng ký.

Điểm cộng rất lớn khác đó là thẻ ngân hàng ở Đài Loan thường là thẻ Debit quốc tế. Với số tiền có trong thẻ, bạn dễ dàng thực hiện được các giao dịch nước ngoài.

*Lưu ý:

  • Đối với sinh viên hệ ngôn ngữ chưa có thẻ ARC, mang theo passport cua bạn đến Sở Nhập cảnh ở địa phương bạn để lấy số ID (Record of ID number).
  • Nếu trường bạn thuộc tập đoàn nào đó, hãy tìm ngân hàng có liên quan. Ví dụ: Yuan Ze University thuộc tập đoàn Far East thì bạn nên làm thẻ của Yuanta Bank. Việc chọn ngân hàng như vậy sẽ giúp bạn nhận học bổng dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.
  • Ngoài ra, thẻ của ngân hàng CTBC thường có rất nhiều hình dễ thương theo quý, đừng bỏ lỡ cơ hội sở hữu cho mình những chiếc thẻ xinh xinh nhé.
Tip làm thẻ ngân hàng ở Đài Loan
Tip làm thẻ ngân hàng ở Đài Loan
  • Nhân viên ở ngân hàng thường không biết nhiều tiếng Anh, bạn nên chuẩn bị một ít tiếng Trung để dùng nhé.
  • Thời gian chờ đợi và làm thủ tục có thể lâu hơn nếu tên bạn bị trùng với nhiều tên.

TIPS chung

TIPS quan trọng khi làm giấy tờ lần đầu ở Đài Loan
TIPS quan trọng khi làm giấy tờ lần đầu ở Đài Loan

Để kết lại bài viết này, TD gửi đến các bạn một vài lưu ý đặc biệt như sau:

  • Các bạn đến Đài Loan du học dưới danh nghĩa là SINH VIÊN QUỐC TẾ ĐẾN TỪ VIỆT NAM. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhận được quyền lợi, sự giúp đỡ, hỗ trợ nhất định từ các ban quản lý Sinh viên Quốc Tế tại trường của bạn và đại diện của Nhà nước Việt Nam tại Đài Loan. 
  • Nếu giấy tờ bạn xảy ra bất kỳ vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý (Passport, Visa, ARC,..), hãy nhớ đến 3 nơi đáng tin cậy bạn có thể liên hệ để được hỗ trợ kịp thời
  1. Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan
  2. Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Đài Loan
  3. Bộ Nội vụ – Sở Nhập cảnh Đài Loan

2

  • Lời khuyên, chia sẻ của bạn bè, người quen còn phụ thuộc vào tình huống, hồ sơ, background toàn diện của người đó.
  • Những mẫu thông tin bạn đọc được trên mạng có thể đã được viết ra từ rất lâu về trước. Liên hệ trực tiếp với các văn phòng uy quyền để được cập nhật thông báo mới nhất.
  • Trong trường hợp tình huống của bạn rất đặc biệt, câu trả lời của văn phòng sinh viên quốc tế chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn, hãy liên hệ với Bộ Nội vụ – Sở Nhập cảnh Đài Loan qua Hotline 0800-024-111 (tại Đài Loan) và 886-800-024-111 (Nếu bạn đang ở nước ngoài).
  • Hãy luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, tìm đến những văn phòng đại diện có uy tín, đừng tin vào thông tin lan man.
  • Mọi thắc mắc về du học Đài Loan, học tiếng Trung Phồn thể, cuộc sống, học tập, công việc hay thậm chí là ăn chơi ở Đài Loan, bạn có thể inbox cho Taiwan Diary hoặc tham gia các nhóm cộng đồng của Taiwan Diary để nghe ý kiến, chia sẻ của các bạn khác cũng đang học tập và làm việc tại Đài Loan nhé!

Đến đây thì thông tin đã rất dài rồi. Khi bạn đã có trong tay 3T trên – Thẻ cư trú – Thẻ đi làm – Thẻ ngân hàng, bạn đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì phần thủ tục hành chính bước đầu đã chính thức kết thúc rồi đấy. Giờ thì, bạn có thể hoàn toàn tự thưởng cho bản thân một chuyến tham quan chợ đêm, một cốc trà sữa full topping. Chúc mừng bạn chính thức bước vào hành trình học tập dài hạn tại đất nước Đài Loan. Hãy tận hưởng và nỗ lực hết mình, bạn nhé! 

Xem thêm:

  1. Đại học quốc lập Đài Đông (NTTU)
  2. Feedback học viên lớp luyện thi TOCFL
  3. Điều kiện cơ bản để Du học Đài Loan 2021 – 2022

Nếu quan tâm các khóa học tiếng Trung tại Taiwan Diary: Bạn có thể tham khảo tại đây.

Để đăng ký khóa học hoặc giải đáp thắc mắc, tư vấn chọn lớp hãy đăng ký theo lớp sau:

Xem ngay Chi phí dịch vụ hồ sơ du học Đài Loan giá cực tốt tại Taiwan Diary:

Bảng giá hồ sơ du học Đài Loan

Tham gia nhóm Luyện thi TOCFL – Học Tiếng Trung Phồn Thể để xem nhiều bài viết chia sẻ kiến thức tiếng Trung và thông tin du học Đài Loan nha !

Taiwan Diary: